Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Vượt qua cửa tử một cách ngoạn mục, khi ra viện, nữ bệnh nhân xúc động cảm ơn các thầy thuốc đã tái sinh ra mình lần hai. Bị ngừng tim do sốc tim viêm cơ tim cấp, tiên lượng tử vong, trong lằn ranh sinh – tử, các bác sĩ của Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã nhanh chóng và kịp thời can thiệp ECMO để cứu sống bệnh nhân.
Gần 1 tháng điều trị hồi sức tích cực với những biện pháp hồi sức cấp cứu, những kỹ thuật tiên tiến hiện đại, có những lúc tính mạng người bệnh “ngàn cân treo sợi tóc”, các bác sĩ đã phải “cân não” để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất, người bệnh từng ngày đáp ứng điều trị và dần hồi phục. Kỳ tích này đã mở ra cơ hội cứu sống nhiều người bệnh nguy kịch tại Bệnh viện đầu ngành của lực lượng CAND bằng kỹ thuật ECMO.
Các bác sĩ Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) triển khai ECMO để cứu sống bệnh nhân.
Quyết tâm cứu sống người bệnh
Là người khoẻ mạnh, chị Ngô Thị Thu Huyền (35 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) không bao giờ nghĩ rằng một ngày mình lại rơi vào tình trạng ngừng tim và cận kề cái chết đến như vậy. Trước khi vào viện 3 ngày, chị thấy mệt, đau ngực, khó thở. Ngày 14/6/2023, chị được người nhà đưa xuống Bệnh viện 19-8 thăm khám và nhập viện vào Khoa A2 với chẩn đoán: Theo dõi nhồi máu cơ tim chưa loại trừ viêm cơ tim. Sau khi được chụp động mạch vành qua da không có hẹp, chị được chẩn đoán sốc tim do viêm cơ tim, chuyển ngay vào Khoa Điều trị tích cực và chống độc.
ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và chống độc, Bệnh viện 19-8 kể lại: Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng tỉnh, đau ngực trái, khó thở nhiều, huyết áp tụt (80/50 mmHg). 20 phút sau khi vào khoa, bệnh nhân xuất hiện cơn loạn nhịp (rung thất), ngừng tuần hoàn, chúng tôi đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện, đặt nội khí quản, thở máy, dùng các thuốc trợ tim, vận mạch.
Dù cấp cứu ngừng tim thành công và tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, nhưng tính mạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Lãnh đạo Khoa đã xin ý kiến Ban giám đốc, hội chẩn xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai và nhanh chóng triển khai các kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại nhất là lọc máu, ECMO.
Lãnh đạo Bệnh viện 19-8 chúc mừng bệnh nhân xuất viện.
Đại tá, PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 chia sẻ: Áp dụng ECMO là quyết định rất quan trọng, phải triển khai ngay bởi bệnh nhân bị viêm cơ tim, suy tim nặng, sốc tim đã ngừng tim… tiên lượng của người bệnh rất khó khăn, nếu não cũng “chết” thì cho dù có cứu được tính mạng thì người bệnh cũng phải đối mặt với cuộc sống thực vật sau này. Vì vậy, trong giây phút sinh – tử đó, biện pháp can thiệp ECMO phải được thực hiện ngay lập tức, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Êkíp đặt ECMO được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm của các chuyên khoa: Điều trị tích cực và chống độc, tim mạch, phẫu thuật mạch máu. Do bẩm sinh mạch của người bệnh rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/2 người bình thường, chia nhánh cũng bất thường, khi triển khai ECMO rất khó khăn, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải là người có chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm.
Để phẫu thuật mạch máu có “dị dạng” của chị Huyền, êkip đã kết nối với ThS.BS phẫu thuật mạch máu Lê Văn Thực. Tối hôm đó BS Thực không có ca trực, khi nhận được điện thoại, 3 bố con anh đang ra ngoài ăn cơm. Bỏ lại cả bữa ăn chưa kịp động đũa, anh vội vàng đưa 2 con tới viện và khẩn trương vào phòng mổ để tiến hành can thiệp mạch máu phối hợp cấp cứu cho người bệnh. Với sự phối hợp nhanh chóng, chặt chẽ của ê kíp ECMO, mặc dù căng thẳng và vất vả, các thầy thuốc đã triển khai ECMO thành công và rất kịp thời.
“Khoảng 10h sau khi đặt ECMO, tôi xuống phòng bệnh và không thể quên hình ảnh trong giây phút “cửa tử” đó, người chồng đứng ngoài vẫy tay về phía giường bệnh động viên vợ “yên tâm nhé em ơi”. Người vợ lúc này đã tỉnh, có phản xạ lại với chồng. Bệnh nhân còn trẻ, con còn rất nhỏ, cháu bé mới 2 tuổi, chứng kiến giây phút đó, tôi nói với đồng chí Bùi Nam Phong: “Các anh cố cứu sống trường hợp này bằng xây 700 toà tháp chứ không phải cứu một người bằng xây 7 toà tháp nữa”, Đại tá Hoàng Thanh Tuyền xúc động kể lại. BS Bùi Nam Phong chia sẻ, dù thời điểm đó bệnh nhân đang rất nguy kịch và vẫn còn rất nhiều nguy cơ, không ai dám chắc, nhưng nhìn thấy hình ảnh đó các thầy thuốc đều quyết tâm phải cứu sống người bệnh bằng mọi giá.
BS Phong kể lại: Tuần đầu sau đặt ECMO là thời điểm căng thẳng nhất, bệnh nhân loạn nhịp liên tục, luôn trong nguy cơ có thể ngừng tim bất cứ lúc nào. Đây là thời điểm chúng tôi luôn phải “cân não” để điều chỉnh ECMO, các biện pháp điều trị và thuốc trợ tim, vận mạnh cho hợp lý. 2 bác sĩ và 1 kíp điều dưỡng theo dõi từng diễn biến của người bệnh 24/24h. Sau 9 ngày lọc máu và ECMO, bệnh nhân được bỏ thở máy, rút nội khí quản, dừng lọc máu, cai ECMO thành công. Gần 1 tháng tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa tích cực, bệnh nhân hồi phục và được xuất viện trở về nhà.
Hạnh phúc khi được hồi sinh trở về với chồng con và gia đình.
Mở ra nhiều hy vọng cho người bệnh
Tại buổi chúc mừng bệnh nhân xuất viện, PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền xúc động cho biết: Đây là ca ngừng tim nặng nhất lần đầu tiên bệnh viện triển khai kỹ thuật ECMO thành công, người bệnh được cứu sống là một kỳ tích. Thành công này là sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo bệnh viện, sự phát huy trí tuệ tập thể của các chuyên khoa, đặc biệt là các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực, đã cố gắng suốt cả chặng đường, nỗ lực phối hợp với các chuyên gia, bác sĩ ngoại khoa quyết tâm cứu sống người bệnh. Hiện tại bệnh nhân đã hồi phục tim, hồi phục não, không có di chứng. Đây là hạnh phúc nhất của những người thầy thuốc khi cứu sống được người bệnh.
“Em không nghĩ mình lại bị nặng như vậy. Gần 1 tháng điều trị, em thấy mình may mắn vượt qua cửa tử, được trở về gặp các con. Các bác sĩ là người đã tái sinh ra em lần thứ hai. Em xin gửi lời cảm ơn các bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện, toàn bộ nhân viên y tế đã tận tình chăm sóc, điều trị cho em được ra viện”, bệnh nhân Huyền đã khóc và cho biết, mình được sống lại là một điều kỳ diệu.
ThS.BS Bùi Nam Phong cho biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên Bệnh viện 19-8 triển khai kỹ thuật cao nhất là ECMO. Trước đó, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật này để điều trị cho bệnh nhân bị sốc do sốt xuất huyết, viêm phổi nặng. Nhưng đây là ca bệnh đầu tiên thành công, bệnh nhân xuất viện và trở về cuộc sống bình thường.
Là bệnh viện đầu ngành của lực lượng CAND, Bệnh viện 19-8 đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới trong điều trị lâm sàng cứu sống người bệnh nặng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của bệnh viện hạng I. Khoa Điều trị tích cực và Chống độc thường xuyên cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch như: các bệnh lý sốc (sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, sốc phản vệ, sốc đa chấn thương), viêm phổi nặng thở máy, hen phế quản, suy tim, đột quỵ nặng hôn mê, chấn thương sọ não, chấn thương nặng hôn mê,… Theo ThS.BS Bùi Nam Phong, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống nhờ triển khai các kỹ thuật mới như: Kỹ thuật hạ thân nhiệt đã cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tuần hoàn, trong đó có bệnh nhân người Hàn Quốc bị sốc đa chấn thương; cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng do viêm tụy cấp, suy đa tạng/nhiễm COVID-19 bằng phương pháp hạ thân nhiệt và lọc máu. Mới đây nhất đã cứu sống bệnh nhân Hà Anh Đức (Hà Tĩnh) bị tổn thương nội sọ hôn mê đa chấn thương do ngã trên cao xuống bằng phương pháp phẫu thuật giảm áp sọ não và kỹ thuật hạ thân nhiệt. Hay cứu sống bệnh nhân Nguyễn Đức Tài (49 tuổi, Bắc Ninh) bị sốc nhiễm khuẩn do viêm tụy cấp - suy đa tạng bằng kỹ thuật lọc máu hiện đại.
Đến nay, Bệnh viện 19-8 đã thực hiện hàng trăm ca lọc máu và kỹ thuật lọc máu hàng năm và rất nhiều các kỹ thuật Hồi sức cấp cứu hiện đại đã được ứng dụng thường quy ở bệnh viện: Lọc máu, hạ thân nhiệt chỉ huy, đo ICP, PICCO… Đặc biệt, việc triển khai thành công kỹ thuật ECMO cứu sống người bệnh ngừng tim đã mở ra nhiều triển vọng trong cứu sống những ca bệnh khó, nguy kịch và kỹ thuật này sẽ trở thành thường quy tại Bệnh viện 19-8.
_Công an nhân dân Online_