Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Trải qua bề dày truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ tiền thân là Bệnh xá 265 đến nay là Bệnh viện hạng I tuyến Trung ương, đầu ngành của y tế CAND, công tác chuyên môn của Bệnh viện 19-8 luôn gắn chặt với nhiệm vụ công tác Công an và sức khỏe của nhân dân.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an luôn thực hiện tốt công tác dân vận, đền ơn đáp nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và xây dựng nên truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào.
Cán bộ chiến sĩ Bệnh viện 19-8 làm lễ xuất quân lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch.
Thành lập trong chiến tranh ác liệt, công tác chuyên môn gắn chặt vào từng trận địa, cứu chữa đồng bào, đồng chí, nên công tác dân vận, kết nghĩa, hoạt động nghĩa tình quân – dân là truyền thống đặc biệt của Bệnh viện 19-8. Truyền thống này được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ, viên chức, người lao động kế thừa và phát huy, nhân lên những giá trị tốt đẹp của người thầy thuốc CAND.
Với truyền thống và bề dày kinh nghiệm về công tác đền ơn đáp nghĩa hàng nằm Bệnh viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hàng nghìn lượt thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đặc biệt là kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Hành trình tri ân thường niên của Bệnh viện đã đến với những nơi khó khăn nhất ở các vùng sâu, vùng xa biên giới như Mèo Vạc, Xín Mần... các huyện đảo như Cô Tô, Vân Đồn, Lý Sơn...
Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình khó khăn.
Ngoài ra hằng năm, Bệnh viện còn cử y, bác sĩ tham gia các đoàn tình nguyện của Bộ Công an khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Bộ An ninh Lào. Bên cạnh việc khám chữa chăm sóc sức khỏe cho bà con, đoàn còn tổ chức các hoạt động thiện nguyện tặng quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm, hỗ trợ kinh phí học tập, thiết bị y tế tới nhân dân, địa phương khó khăn.
Tính từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện 19-8 đã tổ chức gần 100 đoàn, thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 5.000 người là đối tượng chính sách, người có công và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng chi phí trên 15 tỉ đồng, được trích từ nguồn kinh phí thường xuyên của Bệnh viện, nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện và nguồn tài trợ của các mạnh thường quân do Bệnh viện vận động.
Nhân lên truyền thống đền ơn đáp nghĩa tốt đẹp, Bệnh viện đã vinh dự được nhận phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Ngân - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sinh sống tại địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội). Các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, đoàn viên thanh niên đơn vị thường xuyên thăm nom, chăm sóc Mẹ, coi đây như gia đình thứ 2 của mình, các Mẹ cũng từ đó vơi đi nỗi đau mất mát, an vui sống, là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, cộng đồng.
Qua công tác dân vận, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động thiện nguyện, xã hội từ thiện của đơn vị đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện. Điểm sáng từ hoạt động này đó là tinh thần xung kích tình nguyện đến các điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời hỗ trợ y tế cho nhân dân.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhiều đoàn công tác của Bệnh viện đã lên đường chi viện các điểm nóng như: Đà Nẵng, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh... Cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện đã cùng các lực lượng nơi tuyến đầu chung tay đẩy lùi đại dịch; hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương nâng cao kiến thức, kỹ năng và phương án phòng chống dịch từ đơn vị, cơ sở, góp phần dựng thành trì phòng dịch vững chắc trong toàn lực lượng CAND.
Cán bộ chiến sĩ Bệnh viện 19-8 lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch.
Trải qua bề dày truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ tiền thân là Bệnh xá 265 đến nay là Bệnh viện hạng I tuyến Trung ương, đầu ngành của y tế CAND, công tác chuyên môn của Bệnh viện luôn gắn chặt với nhiệm vụ công tác Công an và sức khỏe của nhân dân.
Thông qua công tác dân vận, nghĩa tình đã vun đắp tình cảm gắn bó Công an với nhân dân, tạo thế trận lòng dân gắn với thế trận An ninh nhân dân vững. Các hoạt động dân vận, từ thiện của Bệnh viện 19-8 không chỉ có ý nghĩa về chính trị, mà còn có ý nghĩa về tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, để lại những dấu ấn cho nhân dân, thể hiện tinh thần “Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk.
Trong suốt quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện 19-8 luôn nhận thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác thiện nguyện và đền ơn đáp nghĩa. Để viết tiếp truyền thống vẻ vang ấy, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các đoàn khám, cấp phát thuốc miễn phí tại các địa phương có hoàn cảnh khó khăn với nhiều đối tượng chính sách, người có công, phát huy sức mạnh và xứng đáng với hình ảnh “Những người chiến sĩ khoác trên mình hai màu áo”, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an.
Bệnh viện 19-8, Bộ Công an được thành lập theo Quyết định số 3203-NV/QĐ, ngày 28/6/1976 trên cơ sở sáp nhập hai bệnh viện tiền thân là Bệnh viện 265 trực thuộc Cục Hậu cần - Công an nhân dân vũ trang và Bệnh viện 367 trực thuộc Vụ Tài vụ - Vật tư, Bộ Công an; được lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thống nhất lấy ngày 14/9/1961 (ngày thành lập Bệnh viện 265) là ngày truyền thống.
Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, bên cạnh việc phát triển quy mô bệnh viện, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y, bác sỹ. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện 19-8 luôn quan tâm đến công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa; luôn xác định đó là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển và làm nên thương hiệu Bệnh viện 19-8 và cũng là thế mạnh trong công tác dân vận của Bệnh viện.
_Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8_