Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Anh Lê Ngọc T. 36 tuổi, thiếu tá công an tỉnh Hà Nam, cùng gia đình quyết định tin tưởng thực hiện phẫu thuật nội soi tán sỏi thận bằng ống soi mềm tại Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện 19-8.
Anh T. cho biết đã phát hiện sỏi thận 2 bên từ nhiều năm nay. Nhưng do tâm lý sợ phải mổ, sợ phải nằm viện lâu ngày ảnh hưởng đến công việc vô cùng bận rộn, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chiến sĩ công an phải túc trực tại các chốt thường xuyên.
“Tôi vốn có cơ địa sẹo lồi. Trước kia đã trải qua phẫu thuật tay, mổ ruột thừa. Kể cả mổ mở hay mổ nội soi thì đều rất lâu lành vết mổ. Nên dù biết sỏi thận của bản thân không thể dùng thuốc điều trị, tôi vẫn hết sức phân vân lo lắng, sợ rằng phải nằm viện dài ngày sau mổ thì sẽ ảnh hưởng tới công việc tại các chốt chống dịch trên địa bàn tỉnh nhà.” - Anh T. tâm sự.
Anh T. đã lên Hà Nội, đến khám tại Bệnh viện 19-8, trình bày nguyện vọng và đã được các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu tư vấn thực hiện phẫu thuật nội soi tán sỏi thận bằng ống soi mềm.
Ống soi mềm tiếp cận sỏi thận
Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Mai Tiến Dũng, phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, phẫu thuật viên thực hiện ca mổ cho biết: “Căn cứ vào tình trạng và nguyện vọng của bệnh nhân cùng gia đình, chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật tán sỏi thận 2 bên cho anh T. trong cùng 1 lần phẫu thuật bằng ống soi mềm. Nguyên lý của kỹ thuật này là đưa ống soi từ bên ngoài luồn theo đường ống tự nhiên của hệ tiết niệu, tiếp cận viên sỏi đang nằm trong thận. Cấu trúc cơ thể con người khiến cho việc sử dụng ống soi bán cứng rất khó khăn và có nguy cơ gây tổn thương nếu đưa máy lên cao trên thận. Ống nội soi mềm với độ mềm dẻo có thể uốn theo độ cong sinh lý của niệu quản, dễ dàng được đưa lên tận bể thận rồi lại tiếp tục luồn vào từng đài thận để tiếp cận viên sỏi mà không gây tổn thương đến các tổ chức của hệ thống bài tiết nước tiểu.”
Các phẫu thuật viên thực hiện ca mổ
Ca mổ kéo dài 1 giờ đồng hồ diễn ra thuận lợi, ống soi mềm đã phát huy tính ưu việt khi giúp phẫu thuật viên tiếp cận sỏi thận dễ dàng. Anh T. tỉnh lại sau ca mổ mà ngỡ như bản thân chưa từng trải qua cuộc mổ nào, vì trên cơ thể không hề có lấy một vết rạch da. Đến khi nhìn kết quả chụp phim X-quang kiểm tra, anh và gia đình vô cùng mừng rỡ vì viên sỏi thận ở cả 2 bên khiến anh mệt mỏi nhiều năm nay đã không còn nữa.
Phim chụp X-quang trước và sau mổ của bệnh nhân T.
Chỉ sau 2 ngày theo dõi và chăm sóc hậu phẫu tại khoa Ngoại Tiết niệu, anh T. đã được xuất viện và trở về công tác, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ công an nơi tuyến đầu chống dịch, với 1 tinh thần thoải mái và sức khoẻ tốt hơn so với nhiều ngày tháng trước đây.
Ưu điểm của Nội soi bằng ống soi mềm là phẫu thuật viên có thể tiếp cận sỏi và tán sỏi dễ dàng theo đường tự nhiên, không để lại bất kỳ sẹo mổ nào trên da. Cấu trúc và chức năng thận cũng được bảo tồn, xâm lấn tối thiểu cho dù hiệu quả tán sỏi đạt được là tối đa. Bệnh nhân sẽ hồi phục rất nhanh chóng sau cuộc mổ và hầu như không phải chịu đau đớn do việc rạch da và bộc lộ các cấu trúc. Đôi khi kỹ thuật này được chỉ định cùng với Nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (mini-PCNL) để tiếp cận sỏi thận trong những trường hợp vị trí sỏi đặc biệt khó khăn, có nguy cơ gây tổn thương nhu mô thận và cổ đài thận, nhờ vào khả năng uốn cong hết sức linh động của ống soi.
Nhờ ống soi mềm, phẫu thuật viên có thể tiếp cận viên sỏi dễ dàng để tiến hành tán sỏi bằng năng lượng laser
“Hiện nay Khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện 19-8 đã triển khai thường quy tất cả các kỹ thuật điều trị sỏi đường tiết niệu: Nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (mini-PCNL), tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng (URS), phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc (RPLU)… và giờ đây là Nội soi tán sỏi thận bằng ống soi mềm (RIRS). Các phẫu thuật viên có trình độ, được đào tạo bài bản tại các trung tâm phẫu thuật tiết niệu lớn trong và ngoài nước, cùng hệ thống máy móc được trang bị đầy đủ, sẽ mang lại cơ hội cho người dân được điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu bằng phương pháp phù hợp nhất đối với từng người bệnh.” - Bác sĩ Dũng chia sẻ.
_ThS Bs Trần Hoài Nam - Khoa Ngoại Tiết niệu_